Chuẩn bị, đo đạc
Trước tiên, chủ nhà nên đo đạc một cách cẩn thận và chi tiết để có kích thước chính xác cho bộ rèm cửa. Việc này nhằm tránh tránh lãng phí tiền bạc và thời gian, đồng thời có được bộ rèm ưng ý. Chủ nhà nên nhờ đến dịch vụ chuyên đo và may rèm cửa để có số đo hợp lý, không nên tự đo.
Trước khi treo rèm, chủ nhà cần đánh dấu vị trí chiều cao muốn treo chúng để có những tấm rèm hài hòa với cửa và chiều dài của tường.
Chất liệu
Vì một bộ rèm cửa thường được sử dụng lâu dài nên chủ nhà cần chú ý chất liệu may rèm. Rèm nên được may bằng loại vải ít nhăn, chất liệu tốt và bền màu. Những chiếc rèm dễ nhăn sẽ khiến chúng có vẻ luộm thuộm, rẻ tiền. Bên cạnh đó, màu sắc của rèm cửa nên đồng màu với nội thất để không gian hài hòa.
Ngoài ra, nếu căn phòng mang phong cách hiện đại, rèm nên là loại vải trơn, mỏng hoặc vải bóng dày dặn. Chủ nhà có thể sử dụng loại rèm hai lớp để tăng vẻ sang trọng cho căn phòng và điều tiết ánh sáng hợp lý hơn.
Màu sắc phù hợp với không gian
Đối với những căn phòng được trang trí thể hiện rõ ý đồ của chủ nhà, cách đơn giản để tạo sự kết nối đồ đạc trong một không gian đó là chọn màu nền và màu nhấn. Màu nhấn là gam màu nổi bật của căn phòng, tạo độ sắc nét và tinh tế cho không gian mà chúng xuất hiện. Gam màu nền sẽ là những màu nhẹ nhàng giúp màu nhấn trở nên rõ nét hơn.
Khi chọn màu sắc cho rèm cửa, chủ nhà có thể lựa chọn rèm cùng tông với màu nhấn hoặc màu nền. Chủ nhà cũng có thể tạo sự liên kết màu sắc tinh tế dựa trên những vật dụng chính trong nhà. Màu rèm cửa có thể tương đồng với màu của bàn trà, đồ trang trí, hay hài hòa với màu gạch lát sàn, màu sơn tường để tạo sự hoàn thiện cho không gian.
Với những căn phòng có diện tích khiêm tốn, chủ nhà nên chọn rèm cửa cùng tông màu với tường. Rèm cửa ở những căn phòng này không chỉ giúp điều chỉnh ánh sáng mà còn tạo sự liền mạch, tránh chia nhỏ không gian.
Với những căn phòng có sự tương đồng màu sắc giữa tường và rèm, chủ nhà nên chọn những gam màu trung tính. Để tạo điểm nhấn cho không gian, chủ nhà có thể trang trí thêm những bức tranh treo tường, gối tựa hay một lọ hoa rực rỡ…
Kiểu dáng
Chủ nhà nên chọn loại rèm cửa vừa đảm bảo sự riêng tư, vừa tận dụng được ánh sáng tự nhiên. Giải pháp chính là loại rèm cửa hai lớp: một lớp voan, một lớp bằng vải dày. Khi cần chắn sáng, chủ nhà đóng cả hai lớp rèm, còn khi muốn tận hưởng ánh sáng dịu nhẹ thì chỉ cần sử dụng lớp rèm voan.
Rèm cửa màu đỏ cam và màu da sẽ giúp căn phòng ấm áp, rèm trắng và xám làm tôn nét hiện đại, rèm hồng và trắng thích hợp với không gian lãng mạn…
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, rèm cửa từ chất liệu tre trúc không chỉ phát huy tác dụng trong việc che nắng mà còn thân thiện với môi trường. Đồng thời loại rèm này cũng tạo vẻ ấn tượng trong trang trí nhà. Đối với những người ưa sự mộc mạc thì rèm cửa bằng tre trúc là lựa chọn khá hoàn hảo.
Những tấm rèm không chỉ có chức năng che nắng, che gió mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho căn phòng và thể hiện khiếu thẩm mỹ của chủ nhà. Rèm cửa gắn hạt pha lê hiện được rất nhiều người ưa thích trong trang trí nhà. Ánh sáng long lanh hắt ra từ các hạt pha lê đính trên rèm sẽ mang lại vẻ mới mẻ cho ngôi nhà.
Rèm cửa có hoa văn sẽ giúp cho không gian sống bớt đơn điệu. Mỗi loại hoa văn đều có một đặc trưng riêng: sọc dọc giúp căn phòng như cao hơn, đường kẻ ngang làm cho không gian rộng hơn, những họa tiết nhỏ trên rèm cửa làm căn phòng có chiều sâu, còn hoa văn lớn in đậm tạo cảm giác ngược lại. Một lưu ý nhỏ là nên sử dụng màu sắc và họa tiết tương đồng cho những chiếc rèm cửa trong cùng một không gian.
Cách treo
Nếu thích tận dụng ánh sáng bên ngoài bằng cửa sổ hoặc khung cửa lớn, chủ nhà nên treo rèm gần sát với trần nhà để rèm rủ xuống. Bởi chúng giúp nới rộng không gian, tạo vẻ thoáng đãng. Những mẫu rèm cổ điển đều được thiết kế với nguyên tắc trên.
Nguồn bài viết: Báo Sài Gòn Tiếp thị – số 147/2017
Nguồn ảnh: Sưu tầm tổng hợp